Nghi thức lễ tang trước khi phát tang.

Báo tang.

  Nghi thức tang lễ trước khi phát tang là điện báo cho con cháu nội ngoại xa gần biết, thu xếp về chịu tang. Đồng thời báo cho chính quyền, tổ chức xã hội, đoàn thể, cơ quan đơn vị để có sự phối hợp lo việc hậu sự chu đáo. Liên hệ ban quản trang ký hợp đồng việc mai táng.

Ở nông thôn chưa có ban quản trang, trong nội tộc thu xếp người lo việc đào huyệt. Cử người mua quan tài, vải liệm, làm ảnh, thuê tăng âm loa đài và các thứ cần thiết… mời thầy cúng thực hiện các nghi thức tang lễ và hội kèn trống, lên lịch thời gian phát tang, phúng viếng, truy điệu và mai táng…

  Cần kiểm tra kỹ việc mời thầy cúng, không để xẩy ra mời hai thầy cúng một lúc, rất khó xử. Việc tham gia ý kiến của người khác, cần khéo léo và tế nhị; không làm tang chủ rối trí trong lúc đang đau buồn, tránh sự căng thẳng không cần thiết, dễ xẩy ra tình trạng “lắm thầy rầy ma”.

Nghi thức tang lễ

Thành lập ban tang lễ

Ngoài ra nghi thức lễ tang trước khi phát tang là Thành lập Ban Lễ tang và cử người làm Trưởng ban. Thường một công dân mất, do trưởng xóm, trưởng làng, hoặc trưởng khu phố làm Trưởng ban lễ tang. Các thành phần gồm có: đại diện Mặt trận, đại diện tổ chức xã hội, đại diện đoàn thể, đại diện cơ quan, đơn vị và đại diện gia đình.

   Phải căn cứ vào địa vị xã hội của người đã mất mà cử Trưởng, Phó Ban lễ tang cho phù hợp.

   Trong Ban Lễ tang cần có sự phân công cụ thể các việc làm cho từng thành viên, giúp gia chủ khi tang gia bối rối. Nghĩa tử là nghĩa tận!

   Sau khi thành lập Ban lễ tang, ra Thông báo, Cáo phó hoặc Tin buồn cho mọi người biết. Thông thường là viết TIN BUỒN trên một tờ giấy rộng, chữ chân phương rõ ràng.

   Tham khảo một trường hợp cụ thể như sau: 

THÔNG BÁO

TIN BUỒN

Ban tang lễ và gia đinh vô cùng thương tiếc Thông báo tin buồn:

Ông/Bà……

Tạ thế …..  giờ ….. phút …… ngày ….. tháng …… năm (tức ngày ….. tháng  ….. năm    AL)

Hưởng thọ ….. tuổi(tính tuổi Âm lịch)

Lễ phát tang: Vào hồi …. giờ …. phút ngày …. Tháng ….. năm …. (ngày ….. tháng …..  năm ……)

Lễ viếng từ …… giờ ….. phút cùng ngày

Lễ truy điệu và di quan, an tang vào hồi ….. giờ …. phút, ngày …..  tháng ….. năm …… ( ngày …. tháng ….. năm …. )

An tang  tại …………

BAN TANG LỄ VÀ GIA ĐÌNH

 Thể hiện sự trang trọng và nghiêm cẩn của một đám tang.

 Treo ở chỗ mọi người dễ nhìn thấy nhất. Từ cổng nhà ra tới đường lớn, cắm cờ tang, nhằm thông báo cho người đến phúng viếng biết.

Nghi thức tang lễ

nghi thức tang lễ
Dịch vụ mai táng Hồng Phúc

Lập bàn thờ và trang trí phòng tang

   Bàn thờ vong nên có*:

   – Ảnh người quá cố, bài vị, minh tinh, bát hương, lọ hoa, mâm hoa quả, đĩa xôi con gà. Nếu có huân huy chương đặt trong hộp kính để bên cạnh ảnh. Một đĩa để khách đặt đồ phúng viếng… Có nơi để hai cây chuối con ở hai bên, thể hiện màu xanh cuộc sống. (Nhà có nhiều khách viếng, nên có một bát hương to, hoặc một chậu hoa dùng làm bát hương)…

   – Bài vị tạm thời làm bằng giấy, thường do thầy cúng làm hoặc người nắm chắc nội dung của bài vị làm cũng được. Hiện ta vẫn quen viết bài vị bằng chữ nho. Nội dung ghi: Họ tên người mất: bí danh, bút danh, chức danh, thế thứ trong gia đình, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất.

   – Minh tinh: Có nơi gọi Cờ vía, là một dải giấy đỏ, treo vào cành tre còn lá tươi xanh ở ngọn. Nội dung cơ bản viết trên minh tinh là nêu chức tước, phẩm hàm của người đã mất.

   Hai bên cạnh bàn có hai chữ Trung Tín (dùng cho đàn ông). Hai chữ Trinh Thuận(dùng cho đàn bà):  

   Việc dùng các chữ trên là thể hiện tính nhân văn cao cả. Người chết là dứt nợ trần gian, mọi công nợ đều được trút bỏ. Khi đã chết rồi, họ trở về cõi vĩnh hằng gặp ông bà tổ tiên, với tư cách là những người trung trực tín nghĩa, trinh trắng và nhu thuận; để bắt đầu một cuộc sống mới, ở một thế giới mới!

   Bàn thờ vong kê phía trước quan tài, phải cao hơn mặt quan tài độ 40 cm. Dùng vải đen phủ từ mép bàn thờ vong xuống sát đất. Giữa tấm vải đen dán một chữ Thọ trắng hình tròn giống chữ Thọ ở đầu quan tài. Bên cạnh để Minh tinh. 

Các kiểu chữ Thọ thường dùng.

   * Trang trí phòng tang: Phía trong quan tài treo một phông đen

   Góc trên ảnh dán một giải băng tang đen. Trường hợp không có ảnh, chuyển hai dòng chữ cuối lên trên. Hai bên quan tài trải chiếu cho con cháu ngồi chịu tang.

   Đồ trang trí này, các công ty dịch vụ tang lễ làm trọn gói từ A đến Z, kể cả việc cần đưa đi hỏa táng. 

   Ở nông thôn, Chính quyền thôn và Chi hội Người cao tuổi chủ động sắm trước, may cờ tang, trống cái và các thứ phục vụ cho Tang lễ, theo quỹ đóng góp tự nguyện của toàn dân.

   * Một việc cần làm lúc này là: chuẩn bị áo tang cho con cháu và những người phải để tang. Tính số người chịu tang mà làm, không được làm thừa. Con trai thì áo xô khăn trắng, con gái và con dâu thì áo xô và mũ trắng. Những người chịu tang còn lại đến hàng cháu, xé vải trắng gấp thành khăn trắng nhỏ để quấn trên đầu. Hàng chắt thì khăn vàng, hàng chút thì khăn đỏ.

   Hiện có đám vẫn còn giữ tục con trai đội mũ rơm, gậy tre (nếu cha mất) hoặc mũ rơm gậy vông vót vuông (nếu mẹ mất).

   Người chịu tang chưa về kịp, khăn tang của người đó để trên bàn thờ vong.

Nghi thức tang lễ

Tắm gội cho người mất.

Việc này xưa gọi là “Lễ Mộc dục – tắm gội”. Cần tiến hành nhanh, càng sớm càng tốt không nên để lâu. Để lâu cứng các khớp sẽ khó khăn khi nhập quan. 

   Nấu nước ngũ vị hương, dùng khăn mềm lau rửa toàn thân sạch sẽ. Cắt móng tay, móng chân, chải đầu. Dùng tất nilon lồng vào hai bàn tay và hai bàn chân, để thuận tiện cho sau này, khi cải táng gom đủ các đốt tay và chân.

   Sau đó thay quần áo mới cho người chết. Nữ giới thêm đồ trang sức giả như vòng, nhẫn, dây chuyền, hoa tai… cho đẹp (có thể đánh phấn cho dung mạo hồng hào). Hai bàn tay để úp trên bụng, cột hai ngón tay cái và hai ngón chân cái lại. Có người cho rằng buộc như vậy là “trói” trước khi chôn! Người chết là “nhắm mắt xuôi tay”, nên để hai tay xuôi theo người. Việc làm này còn tùy thuộc tập tục từng địa phương. Ai cũng thấy Bác Hồ trong hòm kính hai tay để trên bụng!

   Dùng một dây vải rộng bản giống băng y tế, luồn qua lưng và buộc cố định hai vai lại, không để vai nở ra, nhằm khi nhập quan được dễ dàng.

***

   Theo Thọ mai gia lễ khi làm lễ mộc dục, tang chủ quỳ xuống khóc mà than rằng:

   “Tư thỉnh mộc dục, dĩ điều cựu trần. Cẩn cáo!”   

   Nay xin tắm rửa sạch sẽ bụi trần. Kính cáo!

   Rồi tiến hành tắm gội. Trong Thọ Mai quy định con trai tắm gội cho Cha, con gái tắm gội cho Mẹ. Đây là một trong những việc báo hiếu cuối cùng của con cái đối với cha mẹ. Ngày nay cũng không nên câu nệ quá, tùy điều kiện mà vận dụng, người trong họ tộc hoặc bạn làm cũng được.

Nghi thức tang lễ

 Bỏ gạo và tiền vào miệng.

  Lễ này gọi là Phạm hàm – Là bỏ gạo, tiền vào mồm làm cho thanh tịnh người chết.

   Dùng đũa tách hai hàm răng ra, rồi bỏ gạo nếp rang và 3 đồng tiền trinh, có nhà còn bỏ thêm một chút xíu vàng sống vào mồm người chết. Trước kia nhà giầu có, thế gia vọng tộc còn bỏ 9 hạt trân châu. Người xưa quan niệm để trừ tà ma ác quỷ và có tiền ăn tiêu, đi đường.

   Thực ra có ý nghĩa rất vệ sinh. Gạo nở ra hút nước, kim loại hạn chế xú khí.

***

   Theo Thọ Mai gia lễ, khi làm Lễ Phạm hàm: Mọi người quỳ xuống, tang chủ khấn rằng:

   “Tư thỉnh phạm hàm phục duy hàm nạp. Cẩn cáo!   

   Nay xin Phạm hàm, thỉnh người nhận lấy. Cẩn cáo!”

   Tang chủ lễ một lễ rồi đứng lên, lật khăn trên mặt. Một người trong nội tộc xướng:

   – Sơ phạm hàm! Phạm hàm lần thứ nhất.

   Tang chủ tách hai hàm răng, dùng thìa xúc gạo đổ vào, bỏ một đồng tiền và một chút vàng…Làm như vậy ba lần theo một người trong nội tộc xướng:

   – Nhị phạm hàm! Phạm hàm lần thứ hai.

   – Tam phạm hàm! Phạm hàm lần thứ ba.

***

   Việc nút bông các lỗ trên cơ thể người chết và thực hiện phạm hàm có ý nghĩa khoa học, hạn chế ô nhiễm môi trường.

   Đối với cơ thể người, những hệ quả sinh lý của sự chết là một chuỗi những biến đổi: đầu tiên là trương phình lên, sau đó là sự phân rã, tiếp theo là những biến đổi sau phân rã, cuối cùng, chỉ có bộ xương là tồn tại lâu nhất.

   Giai đoạn sớm sau khi chết (15 –120 phút tùy nhiều yếu tố), xác trở nên mát lạnh, da tái nhạt, các cơ vòng giãn ra, dẫn đến việc tống xuất nước tiểu, phân và những gì chứa trong dạ dày cũng trôi ra ngoài nếu xác bị di chuyển. Máu dồn xuống, tạo thành các ổ chứa ở phần thấp của xác (theo trọng lực) gọi là hồ máu tử thi, trong vòng 30 phút và bắt đầu đông lại. Các cơ co lại, tạo nên co cứng tử thi, với đỉnh điểm là 12 giờ sau khi chết và kết thúc 24 giờ sau khi hình thành, tùy vào nhiệt độ môi trường.

   Trong vòng một ngày, bắt đầu có các dấu hiệu phân hủy, do cơ chế tự hủy lẫn sự tấn công của vi sinh vật, nấm, côn trùng…

   Bên trong cơ thể, các cấu trúc bắt đầu sụp đổ, da mất sự liên kết với các mô bên dưới, hoạt động của vi khuẩn sẽ sinh hơi và khiến xác sưng, trương phình ra.

   Chưa có một yếu tố xác định cụ thể cho tốc độ phân hủy sau khi chết; một xác chết có thể chỉ còn bộ xương sau vài ngày hoặc còn gần như nguyên vẹn sau hàng nghìn năm, đó là những xác ướp.

   Để đảm bảo an toàn vệ sinh trong cộng đồng, người chết cần được chôn hoặc hỏa táng sau 24 giờ. Trường hợp bất khả kháng, phải để lâu chờ con cháu ở xa về, thì phải có nhà lạnh. Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần chôn ngay trong ngày.

Nghi thức tang lễ

Khâm liệm

dịch vụ mai táng
Dịch vu vụ mai táng trọn gói tại TPHCM

   Khâm liệm nghĩa là bọc thi hài vào chăn mỏng hay vải, trước khi đưa vào quan tài (nhập quan).

   Khâm liệm, nhập quan, phát tang và an táng là các việc đã được chọn giờ kỹ lưỡng, đúng giờ là tiến hành các việc trên không được chậm trễ. Ba việc Khâm liệm, Nhập quan, Phát tang làm kế tiếp nhau, không gián đoạn.

 Riêng việc an táng chọn ngày giờ khác, vì còn quàn quan tài tại nhà để thờ vong thường là một ngày, một đêm nữa.

   Để khâm liệm, trước hết trải chiếu xuống đất, bên cạnh chỗ quàn quan tài, đặt ba chiếc dây vải tầm ngang vai, ngang mông và ngang bắp chân người chết; rồi trải tấm vải trắng đã may, đủ diện tích bọc thi hài lên trên ba chiếc dây ấy.

Đặt người chết vào chính giữa, vắt vải thừa ở chân lên trước, kế đến vắt hai bên vào và cuối cùng là vắt vải thừa ở trên đầu xuống. Cột ba dây đai phía ngoài nhằm cố định vải liệm.

   Nay thường để lộ mặt, cho người đi xa về muộn, cùng con cháu và người viếng nhìn mặt lần cuối. Trên nắp quan tài có tấm kính nhỏ, đủ nhìn mặt người quá cố.

Trước khi đưa đi an táng, rút tấm kính ra và phủ nốt đoạn vải liệm cho kín mặt. Rồi thay tấm kính bằng một tấm gỗ, để sau này bốc mộ được an toàn cho người làm.

***

   Ngày trước có đại liệm và tiểu liệm. Việc ấy là do chưa có vải khổ to như ngày nay, khi liệm đều dùng vải khổ nhỏ chỉ độ 40 phân. Đại liệm có 6 tấm vải, một tấm dọc theo thân người và năm tấm ngang. Tiểu liệm có 4 tấm vải, một tấm dọc theo thân người và ba tấm ngang. Khâm liệm xong tiến hành nhập quan luôn.

   Theo Thọ Mai Gia Lễ: Tang chủ quỳ xuống và khấn rằng:

   “Thỉnh nghinh nhập liệm. Cẩn cáo!   

  Xin mời nhập liệm. Kính cáo!

   Lễ một lễ rồi đứng lên, lúc ấy mọi người mới tiến hành liệm.

Nghi thức tang lễ

Nhập quan

Nhập quan là đưa thi hài vào quan tài. Trước khi nhập quan phải kiểm tra quan tài và gắn kín những chỗ nứt nẻ. Bây giờ dùng keo dán gỗ rất tốt.

   Thầy cúng thắp hương huơ huơ, khấn vái rồi làm thủ tục phạt mộc – dùng dao chặt vào bốn góc phía trong quan tài nhằm “đuổi bọn ma quỷ và mộc tinh – cây thành tinh, định lẻn vào!”. Rồi đưa quan tài vào vị trí để quàn. 

   Con cháu mặc đồ tang phục đứng hai bên, những người trong họ hàng thân thuộc nâng thi hài nhẹ nhàng đặt vào quan tài. Trước đây thường lót dưới đáy quan tài bằng chè khô hay gạo rang, rồi đến một tấm gỗ đục 7 lỗ tượng trưng cho 7 ngôi sao Bắc đẩu.

Bây giờ có thể dùng giấy vệ sinh lót đáy và chèn hai bên, có tác dụng hút nước tốt và chèn cho êm, chú ý chèn chặt phía đầu khỏi bị xê dịch khi đưa đi an táng. Rồi làm thủ tục gọi hồn. Theo Thọ Mai phải là con trai trực tiếp gọi hồn, cầm áo người chết trèo lên mái nhà hoặc ra đường gọi hồn.

   Bây giờ thầy cúng, hoặc một người trong họ làm thủ tục gọi hồn cũng được, không nhất thiết phải là con trai. Quan niệm cho rằng người chết hồn lìa khỏi xác, còn quanh quất cần được gọi về nhập xác. Người gọi hồn cầm áo của người chết ra sân hoặc ngoài đường, quay bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và gọi.

Đàn ông thì gọi “ba hồn bảy vía ông…về nhập quan”. Đàn bà thì gọi “ba hồn chín vía bà…về nhập quan”. Xong bỏ áo người chết vào quan tài, coi như hồn người chết đã về nhập quan.

   Thực ra theo quan niệm Phật giáo, khi chết hồn thoát xác và sang một thế giới khác. Việc nhập xác chỉ là vía hay còn gọi là phách, sẽ tan cùng với thân xác. 

   Việc làm phạt mộc và gọi hồn là một tục, mang tính tâm linh đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. 

   Lại có đám bỏ vào quan tài cỗ bài tam cúc hoặc cỗ bài chắn, con dao…cho rằng để trừ tà ma! Chẳng qua cũng chỉ là phép giải tâm lý cho người sống an lòng.

   Sau khi gọi hồn nhập xác, đóng nắp quan tài và tiến hành làm Lễ phát tang ngay. Có nơi dùng ba chiếc lạt tre buộc vòng qua quan tài.

   Một số nơi vẫn có tục: Con cháu và người xung tuổi với người chết không được liệm và nhập quan. Xét ra không nhất thiết phải như vậy, đây là việc “nghĩa tận” con cháu làm, càng thể hiện tấm lòng báo hiếu ân sâu nghĩa nặng được tăng thêm!

***

   Theo Thọ Mai Gia Lễ, khi nhập quan con cháu xếp hàng quỳ xuống mà khóc (lúc này mới được khóc). Tang chủ quỳ trước quan tài mà khấn rằng:

   “Tư dĩ cát thời thỉnh nghinh nhập quan. Cẩn cáo!   

      Nay được giờ tốt xin người nhập quan. Kính cáo!

   Tang chủ lễ một lễ rồi đứng lên. Con trai một bên, con gái một bên đứng ra hai phía, nhường chỗ cho những người bà con giúp việc xúm nhau nâng thi hài lên, rồi rước người vào quan tài thật êm ái. Con cháu đều khóc cả lên.

***

   Trong quan tài chèn chặt bằng vải hoặc giấy…cho êm, phòng khi di chuyển không bị xê dịch, bỏ các thứ cần thiết vào trong quan tài, theo yêu cầu gia chủ và ý kiến thầy cúng.

   Đóng nắp quan tài, quàn đặt trên hai cái gía cao khoảng 40 – 50cm. Hiện nay nơi bán áo quan, có bán sẵn hai cái giá ấy. Có nơi đặt quan tài trên hai khúc thân cây chuối.

   Trên nắp quan tài có bát cơm úp, đôi đũa tre vót hoa man kẹp quả trứng luộc, cắm vào bát cơm. Người chết là đàn ông, trên nắp quan tài để 7 khúc chuối con để cắm hương, kèm theo 7 ngọn nến. Người chết là đàn bà, trên nắp quan tài để 9 khúc chuối con để cắm hương, kèm theo 9 ngọn nến.

   Phía trước quan tài là bàn thờ vong đã chuẩn bị. Đèn nến, hương trên bàn thờ vong và nắp quan tài thắp liên tục đến khi đưa đi an táng.

   Xong đâu đấy, tiếp theo làm Lễ Phát tang ngay.

Nghi thức tang lễ

Những nghi thức mai táng từ lễ phát tang đến an tang

Lễ phát tang

Lễ Phát tang còn gọi là Lễ Thành phục – Mặc áo tang, chính thức chịu tang từ giờ phút này.

Trước hết đánh ba hồi chín tiếng trống đại, hội nhạc tang tấu lên khúc nhạc bi ai buồn thảm bằng bài “Lâm khốc”. Báo hiệu Lễ phát tang bắt đầu, cũng là để báo cho cộng đồng dân cư biết: Sau nghi thức mai táng phát tang đến phúng viếng và chia buồn với tang chủ.

Con cháu chịu tang đứng trước bàn thờ vong, theo thế thứ trong gia tộc. Tang chủ đứng giữa. Chủ Lễ bắt đầu cuộc lễ. Hiện nay phần lớn đều do thầy cúng thực hiện việc này.

Nội dung Lễ phát tang chủ yếu nêu nỗi đau buồn, tiếc thương vô hạn của người sống đối với người đã khuất. Nhớ lại công lao trời biển của Cha Mẹ, đã vất vả nuôi con cháu trưởng thành. Kể tên đầy đủ người chịu tang gồm con, cháu, dâu, rể anh em…

Thực hiện nghi thức thắp hương và dâng rượu, nước cho người đã khuất thụ hưởng, cũng là thể hiện lòng thành báo hiếu của con cháu, dâu rể đối với Cha Mẹ…

Sau khi lễ hoàn tất, tang chủ ra đứng bên bàn thờ vong, để đáp lễ khách phúng viếng. Các con nên thay nhau đứng túc trực. Con cháu chịu tang vào ngồi hai bên quan tài, nỉ non ai oán khóc !….

***

– Giới thiệu một bài văn tế Thành phục trong Thọ Mai Gia Lễ:

Duy…niên hiệu…năm…tháng…ngày…

…Tỉnh…huyện…Tổng…Làng

Con là…trước linh sàng…khóc mà than rằng:

Than ôi! Sương sa mưa đổ, mây phủ núi mờ

Hỏi Hóa công sao khéo đa đoan,

Cho người thế thế thời lại thế

Áo tang trắng trước thềm đau xót thế,

Than ôi! Lòng báo hiếu phận làm con,

Sầu đa đoan trong dạ chất thành non,

Tâm đau sót sóng vỗ làn dâu bể,

Nhạt nhòa nhỏ lệ tưởng nhớ vong linh.

Nhân nay tang phục đã an,

Kính dâng một lễ gọi là dốc lòng báo hiếu thủy chung.

Kính! ngàn thu suối vàng an nghỉ!

Thượng hưởng! 

Nghi thức tang lễ

Nhạc tang

Dân ta có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống!” Xem vậy đủ biết, trống kèn trong tang lễ không thể thiếu được.

   Trong đám tang, kèn trống chỉ bắt đầu từ Lễ phát tang, cho đến khi an táng xong về nhà làm lễ cúng an vị bàn thờ người mới mất là kết thúc. Thực hiện nếp sống Văn hóa, từ 22 giờ kèn trống ngừng, không nên kèn trống cả đêm như ngày trước, chỉ bắt đầu sau 5 giờ sáng để khỏi ảnh hưởng tới cộng đồng.

   Hội kèn trống còn có cách gọi khác là “Ban nhạc Hiếu”, hay “Phường bát âm”. Tiếng trống kèn được coi là những lời khóc than, thương tiếc của con cháu và cũng là âm thanh tiễn đưa hồn người chết về nơi chín suối với ông bà tổ tiên.

   Một số nơi đã thực hiện thu băng cassette, các bài nhạc tang để dùng trong tang lễ. Qua một thời gian thực hiện người ta cứ bỏ dần. Mặc dù có sự khuyến khích và nâng lên thành quy chế làng Văn hóa. Nhưng vẫn không duy trì được. Đây là một thực tế, ngành Văn hóa cần nghiên cứu và hướng dẫn sao cho phù hợp cuộc sống.

   Khi đời sống kinh tế được nâng cao, người ta không chấp nhận thứ nhạc “chết” vô hồn ấy. Ấy là chưa kể các hội kèn trống, còn làm thỏa lòng con cháu khi họ muốn qua hội kèn trống, cất lên tiếng than ai oán của lòng mình đối với người đã mất. Bởi vậy Hội kèn trống là một thứ “nhạc sống có hồn” đáp ứng ý muốn mọi người.

   Một số nơi có tập tục, người chết trẻ không có nhạc tang, chỉ đánh trống lúc phát tang và khi an táng.

   Ngày trước trong đám ma, phường nhạc hiếu thường chơi hai bản “lâm khốc” và “lưu thủy” vừa bi ai, vừa lưu luyến làm mủi lòng người. Nhất là khi đêm xuống, đám tang chuyển sang phần ai vãn, não nuột nỉ non lắm.

   Nhưng hiện nay đã có sự lạm dụng thái quá. Việc “khóc mướn” gần như phổ biến, ngày càng mang tính chuyên nghiệp, có bài bản lớp lang; có nỗi đau của người sống và cả lời “dặn dò” của người đã khuất.

   Ví dụ: Lời người con ở xa về chịu tang:

   “Mọi khi nhận điện thì vui,

   Hôm nay nhận điện rụng rời chân tay.

   Ước gì con được về ngay,

   Để con báo đáp công này mẹ ơi”!!!

   Còn đây là lời dặn dò con cháu của người đã khuất:

   “Tuổi Mẹ nay đã Tám mươi,

   Thôi chào con cháu vẫy chào, xa nhau.

   Thương Mẹ thì hãy nhớ câu.

   Cháu con hiếu thảo khắc sâu trong lòng!”

   Không ít những đám tang có cả nhạc trẻ, thậm chí còn đưa cả nhạc nước ngoài vào. Một số vùng còn mời hội kèn đồng bên công giáo, phục vụ đám tang cho thêm phần hoành tráng! Đã có ban nhạc thổi kèn bài “Love You More Than I Can Say, Sealed With A Kiss hay Oh! Carol” !!!

Nghi thức tang lễ

Lễ cúng sáng tối

   Lễ này gọi là “Chiêu tịch điện – Cúng sáng tối”

   Từ xưa vẫn cho rằng khi chưa an táng, còn quàn quan tài ở nhà, coi như cha mẹ còn sống. Trong ngày, buổi sáng và buổi tối vấn an thăm hỏi và mời bố mẹ xơi cơm, đi ngủ như thường vậy! Việc cúng này bây giờ cũng đơn giản, đến bữa dọn mâm cúng, thắp hương thành tâm khấn mời bố mẹ dùng bữa!

   Trước kia việc cúng này khá rườm rà. Ngày nay đã bỏ đi nhiều.

***

   Theo Thọ Mai Gia lễ, khi chưa an táng coi như người còn sống, buổi sáng mời vong dậy mà ăn, buổi tối mời vong đi ngủ!

   Ngày trước đặt bên cạnh quan tài một cái giường gọi là Linh sàng, trên giường đặt Hồn bạch. Hồn bạch là một giải lụa trắng, khi người chết đặt lụa trên xác để lấy hơi, rồi mang lụa ra kết thành hình người. Ban ngày thờ hồn bạch trên bàn thờ vong, ban đêm đưa hồn bạch vào linh sàng cho vong ngủ! Ngày xưa chưa có ảnh, kết hồn bạch coi như người còn sống vậy.

   Cứ sáng dậy con cháu vào linh sàng khóc ba tiếng, cuốn màn lên rồi tang chủ quỳ xuống mà khấn:

   “Nhật sắc di minh thỉnh nghinh linh bạch vu linh tọa. Cẩn cáo!   

   Giờ đã sáng rồi, rước linh bạch ngự linh ra tọa. Cẩn cáo!”

   Lễ một lễ, rước hồn bạch ra bàn thờ vong, rồi cúng cơm.

   Bắt đầu tiến hành lễ, cũng có đủ các thủ tục xướng lễ, thắp hương, rót rượu, dâng cơm cúng, dâng trà gần như lễ phát tang, rất phiền phức.

   Buổi tối tang chủ lại rước hồn bạch vào linh sàng, buông màn khóc lên ba tiếng rồi khấn:

   “Nhật thời hưng mộ thỉnh nghinh linh bạch vu tẩm sở. Cẩn cáo!   

   Trời đã tối rồi rước linh bạch vào giường ngủ. Cẩn cáo!”

   Việc làm này bày tỏ nguyện vọng con cháu, được hầu hạ cha mẹ trước khi đi xa. Cũng là tấm lòng báo hiếu vô hạn. Nhưng bây giờ xét ra quá phiền phức, không ai làm như vậy nữa. Chắc rằng vong linh cha mẹ, cũng không muốn con cháu mình làm thế! Nêu lại vậy, để độc giả tham khảo sự phức tạp không cần thiết, bỏ đi cũng phải lẽ vậy.

Nghi thức tang lễ

Động quan

Đêm trước hôm an táng, thường vào giờ Tý (23 – 24 giờ) thực hiện động quan, tức là nâng quan tài lên và đặt xuống ba lần, cũng có thể xoay nghiêng hai bên. Việc làm này như một động tác trở mình của cha mẹ còn đang ngủ!

   Nâng giấc cho cha mẹ khỏi mỏi và ngủ ngon hơn! Thế mới biết việc báo hiếu được quy định chặt chẽ đến dường nào!

***

   Theo Thọ Mai Gia lễ, tang chủ quỳ trước cữu mà thanh rằng:

   “Kim dĩ cát thời động quan. Cẩn cáo!   

   Nay được giờ lành xin động quan. Kính cáo!”

   Ngày trước còn có việc chuyển cữu, tức là di chuyển áo quan về nhà thờ tổ để tế, sau người ta chỉ rước hồn bạch sang nhà thờ tổ.

   Nghi thức này bây giờ đã bỏ, người ta chỉ làm động quan thôi.

Nghi thức tang lễ 

Phúng viếng

Phúng viếng là biểu hiện tình cảm sâu nặng của những người trong họ tộc, của bà con trong xóm, ngoài làng ở cộng đồng dân cư và của các cơ quan đoàn thể đối với người quá cố; đến chia buồn với gia đình và tỏ lòng thương cảm, thắp nén tâm nhang để vĩnh biệt người đã khuất. Dù bận rộn đến đâu cũng thu xếp về, không quản đường xá xa xôi cố gắng đến kịp trước giờ an táng với tấm lòng “nghĩa tử là nghĩa tận!”.

   Để việc phúng viếng được tốt và chu đáo, ban lễ tang bố trí rạp, bàn ghế và trầu, thuốc, nước cho khách chờ. Thỉnh thoảng đọc tiểu sử, lai lịch người quá cố và thời gian biểu lễ truy điệu, lễ an táng cho mọi người đều biết.

   Có bàn đăng ký các đoàn viếng, sắp xếp lịch trước sau; có người xếp vòng hoa, các câu đối, bức trướng phúng.

   Tang chủ luôn túc tực bên quan tài để đáp lễ. Một người hộ việc tang chủ, quan sát khách viếng để thắp hương, rồi đưa hương cho từng người đến viếng.

   Ban Lễ tang đọc thông báo cho gia đình và mọi người biết, các tập thể và cá nhân đến viếng. Ban nhạc hiếu tấu lên khúc nhạc ngắn trong khi đoàn vào, rồi dừng cho khách nói lời chia buồn với tang chủ và thắp hương. Người đến viếng vái hai vái, (vì chưa an táng coi như vái người đang sống). Tang chủ đáp lễ, cũng vái hai vái. Người viếng có thể đi vòng quanh quan tài nhìn và vĩnh biệt người chết lần cuối.

   Hiện nay phúng viếng thường có vòng hoa, bức trướng và phong bì tiền. Một nét đẹp Văn hóa của ta. Nhưng đây cũng là việc nhạy cảm, đơn vị, cơ quan, người đi phúng viếng cần biết giới hạn. Nếu vượt ngưỡng sẽ trở nên mất ý nghĩa.

   – Về Câu đối phúng viếng:

   Ngày trước hay đi câu đối, nội dung câu đối hợp với cảnh nhà, cảnh người đã khuất và mối thâm tình của người viếng. Các nhà nho, văn nhân kẻ sĩ, quan chức thường làm câu đối phúng viếng bạn bè thân hữu qua đời. Nhiều câu đối rất hay còn lưu lại mãi. Thi hào Nguyễn Du mất, có một câu đối được truyền tụng nhiều nhất, vì nó nói gọn và đầy đủ sự nghiệp cuộc đời của Ông:

   “Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm.

   Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh   

Nghĩa là:

   Tài hoa một bậc ai tày, làm sứ, làm khanh, sinh chẳng nhục.

   Sự nghiệp trăm năm để lại, ở nhà, ở nước, thác còn vinh.

   Một câu đối chữ Nôm con rể khóc bố vợ:

   Tạo vật khéo trêu ngươi, kéo đám mây mù che núi Nhạc

   Rể con không nhẽ nín, nổi cơn gió lạnh thổi nhà Băng

Bây giờ câu đối phúng có chiều hướng ít đi, cũng là điều đáng tiếc. Một nét đẹp Văn hóa, nên chăng cần được khuyến khích khôi phục lại.

   – Về bức Trướng:

   Các Đoàn thể, cơ quan đơn vị và các gia đình thông gia, thường làm bức trướng. Với nội dung sát thực như: “Vô cùng thương tiếc…” rồi ghi tên đơn vị, đoàn thể và gia đình ông bà…Kính viếng!.

   Một số bức trướng mà nội dung là những công thức có sẵn như: “Tây thiên cực lạc ”, “Tiên cảnh nhàn du ”, “Thiên thu vĩnh biệt ” có hình Phật bà quan âm tỏa sáng. Trong khi người mất không phải là Phật tử!. Lại có đám nhầm sang chúc thọ ghi câu: “Phúc như Đông hải. Thọ tỷ Nam sơn! ”

   Hiện nay bức trướng thường xử dụng mầu đỏ, thực ra chưa được hợp cách với mầu tang chế. Mầu tang chế của Việt nam là hai mầu đen trắng. Trước đây điều này quy định rất chặt chẽ. Hàng con cháu, câu đối phúng bao giờ cũng làm bằng vải trắng.

   Người ta chấp nhận bức trướng có hình Phật bà quan âm, mặc dù không phải ai cũng là tín đồ Phật giáo. Bởi lẽ đạo Phật du nhập trước tiên và có ảnh hưởng hàng ngàn năm nay rồi.

   Người viếng câu đối và bức trướng, cần chú ý nội dung cho đúng và hợp người, hợp cảnh, đồng thời có tính Văn học. Nhất là câu đối, quan khách đến viếng, xem và thưởng thức phẩm bình nữa.

   – Tiền phúng viếng:

   Ngày trước thường hay viếng rượu, vàng, hương. Có đám tới vài trăm chai rượu. Bây giờ tục viếng rượu đã thôi hẳn. Người đi viếng chủ yếu là tiền bỏ trong phong bì, có thể thêm vàng hương. Xét ra, cũng là việc nghĩa, góp một phần cho tang chủ, với ý nghĩa đó thì không sao cả.

   – Vòng hoa tang:

   Phần lớn các đơn vị, tổ chức, cơ quan, dòng họ…làm vòng hoa tang viếng. Cách thức và kiểu dáng mỗi vùng không giống nhau. Miền Bắc thường làm vòng hoa hình bầu dục nổi vồng cao lên. Miền Nam lại làm vòng tròn, có từ một đến ba vòng đều phẳng. Trên vòng hoa là một băng vải đen chữ trắng, ghi rõ đơn vị cơ quan hoặc người chủ viếng…

   Mầu sắc hoa ở miền Bắc cũng quy định chặt chẽ. Người chết trẻ, hoa hoàn toàn trắng, thể hiện sự trong trắng trinh nguyên của tuổi mới lớn.

   Phúng viếng là một nét đẹp Văn hóa trong phong tục Việt nam. Thể hiện tình cảm sâu nặng của những người đang sống với người đã từ giã cõi đời. Khi sống có lúc ăn ở không vừa lòng nhau, nhưng khi đã vĩnh biệt; người chết đã dứt nợ trần gian. Hãy để cho một linh hồn được thanh thản và siêu thoát trở về nơi cực lạc. Không ai tránh khỏi cái chết, rồi cũng sẽ đến lượt như nhau cả thôi.

   Nên điều chỉnh việc phúng viếng từ câu đối, bức trướng đến tiền và vòng hoa có giới hạn, thật sự là một nét đẹp Văn hóa trong cộng đồng. Sao cho khỏi lãng phí và thực sự trong sáng. Điều này phải xuất phát từ động cơ chân thành không vụ lợi của người và tập thể đi viếng. 

Nghi thức tang lễ

Lễ an táng

   Lễ an táng còn gọi là Lễ “Phát dẫn -–đưa ma”.

   Được giờ tốt đã chọn, mới tiến hành lễ. Thực hiện lễ an táng có 4 việc theo trình tự sau:

Cúng lễ trước khi di quan, còn gọi là lễ “Khiển điện – – tiễn biệt”.

   Đây là việc của gia đình. Thầy cúng hoặc tang chủ cùng con cháu nội ngoại thực hiện Lễ tiễn biệt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

   Mọi người theo thế thứ trong nội ngoại gia tộc, xếp hàng trước bàn thờ vong. Thầy cúng hoặc tang chủ thực hiện các bước thắp hương dâng rượu, nước, trang nghiêm như lễ phát tang và đọc lời ai điếu tiễn biệt lần cuối. Con cháu thành kính vái lễ. Quá trình hành lễ, nhạc tang tùy lúc tấu lên khúc bi ai Lâm khốc.

 Làm Lễ truy điệu.

   Đây là việc của Ban Lễ tang thay mặt Đoàn thể, chính quyền hoặc cơ quan đơn vị…làm sau lễ Khiển điện của gia đình. Bà con trong cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị… và bạn bè thân hữu tập trung trước bàn thờ vong. 
Đại diện Ban Lễ tang lên tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và mời Trưởng ban Lễ tang lên làm chủ lễ.

   Chủ lễ trang phục tề chỉnh, trịnh trọng tiến vào bàn thờ vong, thắp ba nén hương rồi vái hai vái. Tang chủ của gia đình đáp lễ cũng vái lại hai vái. Lúc này phường bát âm tấu lên khúc nhạc Lâm khốc não nùng! Mọi người lặng im trong không khí lễ tang.

   Chủ lễ bắt đầu hành lễ, đọc điếu văn. Chủ lễ đọc điếu văn cần chú ý diễn đạt nỗi đau thương của mọi người, thực sự chân thành xúc động; bằng giọng đọc sâu lắng truyền cảm. Lúc hào hùng khi nói về sự nghiệp công lao đóng góp của người đã ra đi. Khi thiết tha da diết về nỗi đau mất mát một người thân yêu…(Tránh đọc điếu văn như đọc một bản báo cáo!)

   Nội dung điếu văn chủ yếu nói về thân thế sự nghiệp. Công lao đóng góp của người đã mất với cộng đồng và xã hội. Công lao sinh thành dưỡng dục con cháu nội, ngoại trưởng thành. Phần thưởng được tặng…Nỗi đau buồn của gia đình và mọi người từ nay mất một người chồng, cha, người bạn v.v…

   Đại diện Ban lễ tang tuyên bố một phút mặc niệm tiễn biệt người đã khuất, từ nay mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại!

   Mọi người mặc niệm lần cuối một phút, rồi mới thực hiện di quan ra xe.

   Tùy vị trí xã hội của người mất mà thực hiện nghi lễ theo quy định.

   Cựu chiến binh được phủ quân kỳ lên quan tài. Các cựu binh mặc sắc phục nhà binh, đứng trực hai bên quan tài, theo hướng dẫn của quân đội.

Nghi thức tang lễ

Di quan.

   Trước khi di quan, đại diện gia đình nói lời cảm ơn và xin được lượng thứ, có điều gì khiếm khuyết trong lúc tang gia bối rối.

   Bà con trong nội tộc và bạn bè… cùng nâng quan tài bằng tay hoặc đặt trên vai, dưới sự chỉ huy của một người cầm hai thanh tre (phách) gõ hiệu lệnh. Yêu cầu làm sao cho quan tài luôn thăng bằng, đến mức chén rượu để trên nắp quan tài không sánh ra giọt nào.

Khi di quan phải thật sự chậm rãi, từ từ từng nửa bước chân một. Vừa thể hiện nỗi đau tiễn biệt muốn níu kéo lại, cũng là vừa đảm bảo cho quan tài luôn được thăng bằng, để người ra đi trong giấc ngủ yên lành!

   Một số nơi thành lập đội tùy từ 6 đến 8 người, áo quần đồng phục một mầu, có giầy, mũ và găng tay, làm công việc di quan ra xe tang. Đây là mô hình tốt nên phát triển rộng. Chính quyền thôn làng, khu phố kết hợp Hội người Cao tuổi đứng ra làm. Kinh phí chắc chắn nhân dân ở cộng đồng sẽ hưởng ứng. Vì đáp ứng nguyện vọng chu đáo và nghiêm túc trong tang lễ. Nên để Hội Người Cao tuổi quản lý các đồ dùng cho tang lễ.

   Ở vùng nông thôn hiện nay, hầu như không mấy đám khiêng quan tài nữa. Làng quê đều có xe tang thô sơ chở quan tài, úp trên quan tài là nhà táng bằng gỗ hoặc khung sắt có phủ vải thêu các hoa văn rồng phượng sặc sỡ. 
Thị xã và Thành phố có xe tang đen của Công ty mai táng thực hiện việc này.

   Trên đường đưa ma vẫn còn tục rải vàng mã. Nên chăng cần giảm bớt tiến tới bỏ hẳn đi để bảo đảm vệ sinh môi trường.

***

   Ngày trước thực hiện theo Thọ Mai Gia Lễ, việc đưa ma vô cùng phiền phức: Đi đầu là hai phương tướng mặc áo mũ đạo sĩ, đeo mặt nạ, cầm dao hoặc binh khí để trừ tà ma, rồi đến đoàn người vác cờ tang. Tiếp là Minh tinh, Vòng hoa, Trướng, Câu đối, Linh xa, Phường bát âm có phèng phèng, thanh la, kèn, trống. Rồi đến đoàn người khiêng Nhà táng. 

Nhà táng làm bằng khung tre nứa, dán giấy mầu, chạm trổ các hoa văn và hình rồng phượng tinh xảo sặc sỡ, úp trên quan tài. Nhà phú qúy, nhà táng làm cao ba tầng như một cung điện nguy nga!

   Sau cùng là đoàn người đi đưa ma… Người chết là phật tử còn có đoàn đội cầu. Cầu là một băng vải mầu, dài trên 10 mét, hai diềm may vải mầu khác loại. Các già đi dưới cầu, tay lần tràng hạt, miệng đọc kinh, cầu cho người ra đi chóng được an nhiên siêu thoát.

   Trưởng nam thì phải cha đưa mẹ đón. Tang cha, con trai phải đi chân đất, chống gậy tre đi sau quan tài, gọi là “đưa”. Tang mẹ, con trai phải đi chân đất, chống gậy vông đi lùi trước quan tài, gọi là “đón”. Con gái và nàng dâu khi đến cầu và ngã ba phải nằm xuống đất cho người ta khiêng quan tài qua, gọi là “lăn đường”. Đây là một hủ tục xét ra không cần thiết. Bây giờ không ai làm nữa. Hiếu tại tâm mới là chí hiếu.

Ở vùng quê ngày trước, một đám tang từ nhà ra nghĩa địa khoảng một cây số, nhưng phải đi mất một buổi mới tới nơi hạ huyệt . Bởi vậy trên đường đi phải có nhiều trạm nghỉ.

   Nhà phú quý còn có nhà trạm, để dừng nghỉ và cúng tế giữa đường, đến nghĩa địa lại có trạm tế trước khi hạ huyệt. Đoàn người đưa tang đi thật chậm, dưới sự chỉ huy của một người gõ phách giữ nhịp và luôn giữ thăng bằng quan tài. Người khiêng phía trước điều chỉnh tốc độ, không cho người phía sau bước nhanh được.

Nghi thức tang lễ

Hạ huyệt.

   Đến nơi hạ huyệt, đặt hai đòn tre ngang qua huyệt. Di quan tài đặt trên hai đòn tre. Lồng hai giây chão chắc chắn dưới quan tài, dùng khi hạ quan tài cho thuận tiện.

   Sau khi ổn định các thứ mang theo, mọi người đứng xung quanh. Bắt đầu hành lễ. Trước hết là Lễ cáo Thổ thần xin cho người chết được nhập mộ. Tiếp theo là lễ vĩnh biệt lần cuối, xưa gọi là lễ “Thành phần – đắp mộ”. Trong Lễ Thành phần cũng đủ các bước do thầy cúng điều khiển. 

   Xong Lễ hạ quan tài, chỉnh hướng cho phù hợp hướng của năm. Trải tấm minh tinh lên nắp quan tài. Con cháu lui ra, vì không ai nỡ chôn người thân. Bạn bè thân hữu bỏ nắm đất vĩnh biệt. Người ngoài hoặc ban quản trang làm công việc chôn và đắp mộ. Có nơi lát một lớp cỏ che kín mộ. Chôn bia tạm, để bát cơm cúng, chén rượu trên mộ, thắp hương trước bia và trên mộ, xếp vòng hoa tang chung quanh.

   Mọi người đi một vòng quanh mộ, tiễn biệt lần cuối người ra đi về nơi an nghỉ cuối cùng. 

   Nếu có nhà táng giấy, đốt luôn cùng với những thứ đồ dùng của người chết thấy cần thiết phải đốt.

Văn khấn miếu thổ thần

miếu thổ thần
Miếu thổ thần

Hôm nay là ngày … tháng … năm

Tín chủ là … đồng gia quyến hiện ở tại …  phường(xã) … quận(huyện) … tỉnh(thành phố)

Kính lạy: Chư vị Thần linh thổ địa, Long mạch chính thần.

Hiện có phần mộ chân linh … (là cố phụ, cố mẫu…)

Táng tại bản xứ: .

Nay tín chủ thiết kêu thiết cầu, mong chư vị lại lâm giám chiếu.

Độ cho vong linh an nhàn yên ổn, siêu thoát u đồ.

Gia ân cho tín chủ chúng con bình an, mạnh khỏe.

Goi là có chút lễ mọn, bày tỏ tấc thành.

Cảm cung cáo vu, kính xin chứng giám.

Cẩn cáo

Đọc xong vái bốn cái, khi sắp tàn nhang thì vái tạ, đốt tiền, vàng và cả sớ tấu(văn khấn) nếu có.

Trong những năm gần đây nhiều địa phương, nhiều dòng họ đã quy tụ được mộ phần vào chung một khu vực tại nghĩa trang, lại xây dựng cả lễ đài, tường bao, đường ra vào, trang trí cây cảnh cho khu vực lăng mộ dòng họ nhà mình, nên việc bảo vệ cũng như thăm viếng rất thuận lợi.