
Tìm hiểu về tục thờ Thần Tài ở nước ta hiện nay

Nền văn hóa Việt Nam ta vốn đặc trưng với tín ngưỡng thờ đa thần, các vị thần đã hiện hữu trong suốt chiều dài không gian và thời gian văn hóa nước ta, tiếp tục là thành phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh người dân Việt hiện nay. Các vị thần phổ biến được thờ tự nhiều nhất phải kể đến ông Táo cai quản việc bếp núc, gia đạo, ông Công canh giữ việc đất đai, ông Địa cai quản nhà cửa, ông Thần tài đem lại tài lộc, tiền của cho gia chủ,…
Tất cả các gia thần đều mang hình tượng cai quản, ban tặng những điều quý giá trong đời sống chúng ta, đồng thời mang ý nghĩa giám sát để con người năng làm việc tốt, tránh xa điều xấu. Sau đây Công ty Hồng Phúc xin gửi tới quý bạn đọc những thông tin để tìm hiểu về tục thờ Thần tài – một trong những tập tục độc đáo của người Việt từ xưa.

Thế nào là tục thờ Thần Tài?
Hai chữ Thần Tài trong tên gọi mang ý nghĩa: Thần: màu nhiệm, thiêng thiêng; Tài: của cải, vật chất, tiền bạc.
Có thể hiểu thần tài là vị thần giữ nhiệm vụ cai quản của cải, gia sản, đem đến tiền bạc cho gia chủ. Theo tín ngưỡng dân gian, sự giàu có, tiền bạc trong mỗi gia đình đều có phần nào do Thần tài mang lại. Chính vì lẽ đó, mỗi gia đình đều có bàn thờ cho Thần tài, đặc biệt là các hộ kinh doanh mua bán đều chú trọng bàn thờ Thần tài.
Hằng ngày gia chủ đều có thói quen đốt hương, cúng trái cây, bánh kẹo để mong được Thần tài phù hộ việc làm ăn thuận lợi, khách hàng tấp nập, tiền bạc rủng rỉnh. Các hàng quán, gia đình là hộ kinh doanh đều rất coi trọng bàn thờ thần tài, họ thường bố trí bàn thờ Thần tài ngay trên nền nhà, thường gần cửa ra vào, không thờ trên cao như thông thường.

Sự tích về Thần Tài
Có nhiều câu chuyện xoay quanh về nguồn gốc của tục cúng Thần tài, tuy nhiên phổ biến nhất trong dân gian là điển tích sau:
Xưa kia, trong trấn nọ có một người tên là Âu Minh, là một lái buôn. Khi vận chuyển hàng qua hồ Thanh Thảo, ông may mắn được thủy thần ở hồ ban cho một người tỳ nữ là Như Nguyệt. Người hầu nữ được Âu Minh đem về nhà nuôi, cũng bắt đầu từ khi đó công việc mua bán của ông vô cùng thuận lợi phát đạt, thậm chí trở thành bá hộ giàu nức tiếng cả vùng.
Tuy nhiên, vào ngày tết năm đó, trong cơn say rượu Âu Minh đã lớn tiếng quát nạt thậm tệ Như Nguyệt, cô tủi thân sợ hãi mà chạy đến xó nhà nép mình vào đống rác rồi từ đó biến mất không tìm thấy được nữa. Từ khi đó, việc kinh doanh mua bán của Âu Minh gặp khó khăn, gia sản tiêu tán, rơi vào nghèo túng.
Sau đó nghe lời mách bảo từ quý nhân rằng tỳ nữ Như Nguyệt là người đem lại tiền của cho gia đình, là Thần tài hộ gia, Âu Minh đã về nhà cho lập bàn thờ, từ đó công việc cũng suôn sẻ, kinh doanh phát đạt như trước.
Dân ta thường giải thích về tục thờ Thần tài theo sự tích ông Thần tài này vì nó thể hiện tục đặt bàn thờ Thần tài trên nền nhà gần cửa ra vào và cả tục không hốt rác vào những ngày Tết. Ngoài ra, điển tích này cũng mang nét tương tự như tục thờ ma xó của các dân tộc thiểu số nước ta để cai quản nhà cửa.

Bàn thờ Thần Tài nên được bày trí thế nào?
Bàn thờ cho Thần tài thường là khám nhỏ, trên đó có khắc mấy chữ đại tự, phía trong có dán bài vị viết bằng kim nhũ trên giấy đỏ tên Thần tài.
Nên bài trí câu đối ở hai bên bài vị với ý nghĩa ca tụng sự phù hộ của Thần tài cho gia đình và thể hiện niềm mong ước của gia chủ: Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim.Câu này mang ý nghĩa rằng: Đất hay sinh ngọc trắng, đất khá có vàng dòng.
Bài vị được đặt sau một bát hương, hai bên được bố trí hay đèn nhỏ sáng vừa phải để không gây cháy lan lên khám. Thời đại ngày nay, người dùng thường thay thế bằng các bóng đèn điện để đảm bảo an toàn và hạn chế khả năng cháy nổ, đồng thời tăng tính thẩm mỹ. Xung quanh còn có thể bày trí các cây kim tiền xung quanh, mâm bồng đựng trái cây, bánh kẹo và các ly nước,…

Cúng Thần Tài cần có những gì?
Việc cúng thần tài được gia chủ tổ chức cúng quanh năm khác với các lễ cúng Ông Táo, Ông Công diễn ra vào các ngày lễ Tết hoặc ngày sóc vọng. Bởi lẽ lễ cúng cho Thần tài không quá cầu kỳ, phức tạp, chỉ cần trái cây, bánh kẹo và trầu nước.
Ngày vía Thần tài trong năm là ngày mười tháng giêng. Trong ngày vía này, người ta thường có xu hướng mua tiền đô hay vàng, cùng với đó là các lễ cúng cho Thần tài khá lớn để mong được Thần tài phù hộ mua may bán đắt, gặp nhiều tài lộc. Bên cạnh tiền vàng, người ta còn mua các vật phong thủy khác liên quan như tượng cóc, tiền xu, cây kim tiền,…để thu hút tiền bạc, tài lộc đến.
>>Xem thêm: Bài văn khấn Bà chúa kho đúng và đầy đủ nhất dành cho bạn
Vì tín ngưỡng thờ Thần tài là một tín ngưỡng dân gian, một tập tục hình thành và duy trì bởi văn hóa dân gian, cũng giống như các tục mai táng, cưới hỏi, thờ cúng,… do đó tùy mỗi dân tộc, mỗi vùng miền mà có những quan niệm, cách thức duy trì khác nhau. Bài viết tìm hiểu về tục thờ Thần tài chỉ nêu một số đặc trưng nhất định về phong tục này, hi vọng bạn đọc sẽ có thêm thông tin và hiểu hơn về một tục lệ độc đáo trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt.